Tăng cường quản lý tàu cá
Sóc Trăng có số tàu cá đã đăng ký là 993 chiếc, tổng công suất là 210.564 CV dài từ 6 mét trở lên 974 chiếc, tàu dưới 6 mét là 19 chiếc, tàu có chiều dài lớn nhất Lmax từ 15 mét trở lên là 344 chiếc. Số lao động tham gia khai thác thủy sản và hoạt động nghề cá trong tỉnh khoảng 307.690, trong đó có khoảng 8.650 lao động trực tiếp trên biển. Tổng sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 14.750,8 tấn.
Đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 974 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên bắt buộc phải có giấy phép khai thác thủy sản, đến nay đã cấp 974/974 giấy phép, đạt trên 100%. Cùng với đó, Sóc Trăng cũng đã triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) tàu cá trên địa bàn tỉnh, đến nay đã có 344/344 chiếc đã lắp đặt thiết bị VMS theo đúng quy trình và thực hiện đúng quy định kẹp chì trên thiết bị VMS, đạt tỷ lệ 100%, số tàu này đã được cập nhật và hiển thị vị trí trên hệ thống giám sát hành trình của Cục Thủy sản.
Nhằm hỗ trợ tàu cá khai thác thủy sản trên biển thuận lợi, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập Tổ kiểm tra, kiểm soát về chống hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp và phân công tổ trực giám sát 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần để theo dõi tàu cá hoạt động khai thác trên biển. Các trường hợp mất kết nối đều được thông báo nhanh đến chủ tàu, kịp thời khắc phục. Các trường hợp mất kết nối dài ngày đối với các tàu nằm bờ, cử cán bộ đến làm việc xác định vị trí neo đậu để phối hợp quản lý. Qua theo dõi trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá, từ đầu năm 2024 đến nay không có tàu cá của tỉnh Sóc Trăng vượt ranh giới ra hoạt động ở vùng biển nước ngoài.
Tổ cũng thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát các tàu cá ra, vào cảng; đã kiểm 430 lượt tàu cá cập, rời cảng cho tàu cá trong và ngoài tỉnh, phần lớn tàu cá đủ điều kiện xuất bến và cập bến
Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề đã tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin tàu khai thác cập, xuất cảng, đối chiếu danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp, sắp xếp tàu vào cảng và giám sát sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng. Đến nay tổng số tàu cá khai thác hải sản cập cảng là 273 lượt tàu, sản lượng hàng thủy sản qua cảng là 2.403 tấn; cấp 08 giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác với khối lượng 207 tấn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác; cấp 38 giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, khối lượng 389.219,75 kg.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chống khai thác IUU, kết hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú, như tuyền truyền Luật Thủy sản năm 2017, các Chỉ thị và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; các đơn vị chuyên môn phối hợp các địa phương ven biển thực hiện lồng ghép tuyên truyền trực tiếp cho 430 lượt chủ tàu, thuyền trưởng các quy định về chống khai thác IUU.
Một số giải pháp trọng tâm
Ðể công tác quản lý tàu cá có hiệu quả, bảo đảm an toàn hoạt động khai thác thủy sản, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp góp phần gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của EC trong năm 2024. Thời gian tới, tỉnh triển khai các biện pháp mạnh, trọng tâm để xử lý dứt điểm tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn tàu cá tỉnh Sóc Trăng khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài; kiểm tra, giám sát, duy trì kết nối thiết bị VMS trên tàu cá, rà soát lập danh sách tàu mất kết nối có vị trí tàu neo đậu, lý do cụ thể, theo dõi quản lý chặt chẽ, kiên quyết không cho tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS, hoặc mất tín hiệu kết nối với máy giám sát hành trình đi hoạt động trên biển.
Thực hiện việc đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định đối với những tàu tham gia khai thác thủy sản (tàu có chiều dài từ 6 mét trở lên). Các trường hợp không lắp đặt thiết bị VMS, không thực hiện việc cấp giấy phép khai thác thủy sản, lập danh sách theo dõi quản lý chặt chẽ, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ đúng quy định; tiếp tục xác minh, lập hồ sơ xử lý đối với tàu cá địa phương mất kết nối thiết bị VMS trên 10 ngày theo quy định,..
Mặt khác, tổ chức kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, xử lý; không để tàu cá không bảo đảm trạng thái hoạt động đi khai thác thủy sản trên biển; phát hiện, xử lý những hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến; kiên quyết không cho tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển nếu không đảm bảo theo quy định, đặc biệt là kiểm tra trạng thái hoạt động thiết bị VMS trước khi cho tàu cá xuất bến đi hoạt động trên biển. Tiến hành thành lập Đoàn công tác liên ngành, mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và xử phạt nghiêm 100% hành vi vi phạm khai thác IUU theo quy định.
Tiếp tục phối hợp với Lực lượng Biên phòng, các địa phương ven biển tổ chức triển khai hệ thống phần mền truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (CDTVN); hỗ trợ chủ tàu/thuyền trưởng tải ứng dụng hệ thống phần mềm, thực hiện khai báo tàu ra, vào cảng, lên hàng thủy sản qua hệ thống điện tử. Các Sở, ngành có liên quan, các huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn ven biển đề cao tinh thần trách nhiệm, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống khai thác IUU; triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mỗi xã, phường, thị trấn ven biển là lực lượng nòng cốt trong việc quản lý, giáo dục, tuyên truyền người dân đối với công tác chống khai thác IUU.
Thanh Thủy